Tiềm năng có nhiều
Năm 2010, tốc độ tăng trưởng sản phẩm gỗ tăng 35%, với kim ngạch 3,5 tỷ USD (kế hoạch ban đầu ngành này đề ra là 3 tỷ USD). Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Vietforest, sản phẩm gỗ chế biến trở thành mặt hàng XK có kim ngạch thứ 5 sau dệt may, dầu thô, giày dép và thủy sản. Nếu xét trong ngành nông nghiệp thì XK đồ gỗ chiếm ngôi vị á quân, chỉ đứng sau XK thủy sản. Ông Quyền cho biết, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010, các thị trường XK đồ gỗ Việt Nam đều phục hồi đáng kể so với những năm trước. Đáng lưu ý là thị trường truyền thống như Mỹ đã tăng 15%, các nước EU tăng khoảng 8%. Doanh nghiệp XK đồ gỗ Việt Nam đã biết mở rộng thị trường, tiếp cận những thị trường được đánh giá là tiềm năng như Nga, Ấn Độ, Trung Đông… Ngành đề ra mục tiêu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 35%/năm, dự kiến đến năm 2020 kim ngạch XK gỗ sẽ đạt mốc 7 tỷ USD. Có được kết quả trên là nhờ chính sách của Nhà nước, miễn thuế XK gỗ cho các doanh nghiệp, thị trường gỗ thế giới ngày càng mở rộng, các thị trường truyền thống phục hồi mạnh. Việt Nam đã vươn lên vị trí là nước cung cấp đồ gỗ nội thất thứ 3 thế giới tại thị trường Mỹ. Theo dự báo, nguồn tiêu thụ tại thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ sẽ ngày một tăng, đơn đặt hàng đang tăng theo. Còn tại thị trường Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Indonesia, để cùng với Malaysia trở thành một trong hai nước XK đồ gỗ lớn nhất trong khu vực.
Thách thức không ít
XK đồ gỗ đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều luật mới tại các thị trường nhập khẩu chủ lực đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp XK đồ gỗ Việt Nam. Cụ thể tại thị trường lớn nhất là Mỹ, đạo luật Lacey của nước này quy định về việc cấm buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp gây trở ngại rất lớn cho ngành XK đồ gỗ Việt Nam. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu một khi tuân thủ các quy định của đạo luật trên, giá gỗ nguyên liệu có thể tăng tới 30% và thời gian để có đủ lượng gỗ theo đúng hợp đồng sẽ cần nhiều thời gian hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và tính rủi ro cũng khá cao.
Bên cạnh việc đối diện với những trở ngại từ các quy định, đạo luật, XK đồ gỗ Việt Nam còn phải đối diện với nhu cầu thị trường, giá cả, nhân công, ngoại tệ tăng… Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng, XK đồ gỗ Việt Nam năm nay vẫn là một ẩn số. Theo thống kê của Vietforest, số đơn đặt hàng XK gỗ của các doanh nghiệp có dấu hiệu giảm, tuy nhiên một vài thị trường mới sẽ có nhu cầu nhập khẩu tăng trong thời gian tới. XK đồ gỗ được đánh giá là tiềm năng lớn ngành nông nghiệp, song việc quản lý, chế biến, sản xuất cần được đặc biệt quan tâm. Để sản phẩm gỗ XK bền vững, ngành lâm nghiệp phải xác định được những chủng loại cây trồng phù hợp dành cho khai thác gỗ, cần xây dựng một chiến lược phát triển rừng bền vững. Nhiều chuyên gia lo ngại, sự ra đời ngày một nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát trong khai thác lâm sản. Nếu không quản lý chặt sẽ dẫn đến tình trạng khai thác rừng tràn lan, gây hậu quả ngiêm trọng. Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền phân tích, việc gia tăng kim ngạch XK đồ gỗ không phải do nguồn nguyên liệu được lấy từ phá rừng, mà chủ yếu là do các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ nước ngoài về để chế biến. Theo Vietforest, trong tổng số 2,3 triệu mét khối gỗ đã XK, chỉ có 700.000m3 khai thác tận thu từ rừng tự nhiên trong nước.
Hiện, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới và trong nước đang ngày một tăng, gỗ được coi là ngành XK chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ thì mặt trái của tăng trưởng ngành này sẽ tỷ lệ thuận với nạn chặt phá rừng. Để ngành gỗ phát triển bền vững, nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên ngành cần xây dựng một chính sách phát triển ngành hiệu quả.
(Theo Vinanet)