Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn khá mù mờ về luật chống gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp của hai thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, vốn là hai thị trường tiêu thụ đồ gỗ Việt Nam lớn nhất.
Ông Huỳnh Quang Thanh, giám đốc công ty đồ gỗ Hiệp Long, tỉnh Bình Dương nhận định như vậy tại hội thảo hướng dẫn về luật Lacey Act (Mỹ) và Flegt (EU) do Hội mỹ nghệ - chế biến gỗ TPHCM (HAWA) và tổ chức tư vấn TFT tổ chức ngày 30-6.
Theo ông Thanh, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát được nguồn gốc gỗ mà các doanh nghiệp dùng để chế biến xuất khẩu.
“Một phần lớn gỗ nguyên liệu được nhập khẩu, mỗi doanh nghiệp đều có một nhà cung cấp riêng, nguồn gỗ quy chuẩn, chất lượng rất khác nhau, nên rất khó để kiểm soát được đó có phải là gỗ được khai thác hợp pháp hay không”, ông nói.
Với luật Flegt của EU, sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2013, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch HAWA và là thành viên tổ tư vấn về Flegt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một thỏa thuận đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU sẽ đi đến những bước quan trọng vào tháng 8 này.
Theo ông, để tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán, Việt Nam đề xuất ba nghiên cứu phân tích nên được thực hiện, sẽ hoàn thành vào giữa tháng 7, và dự tính báo cáo tại hội nghị tham vấn quốc gia vào tháng 8, để Chính phủ và đoàn đàm phán châu Âu có cơ sở thảo luận trong phiên họp tiếp theo vào đầu tháng 9.
Đó là nghiên cứu dòng luân chuyển gỗ nội địa và nhập khẩu của Việt Nam, nghiên cứu các bên liên quan và chiến lược gắn kết các bên và nghiên cứu định nghĩa tính hợp pháp của gỗ.
Mục đích việc đàm phán là đạt được thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến gỗ mở rộng xuất khẩu sản phẩm này vào EU và tăng khả năng thích ứng với quy định mới.
(TBKT Sài Gòn)