Ngày (14/7), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), công ty Dun & Bradstreet phối hợp với Hội Mỹ nghệ & Chế biến Gỗ (Hawa) tổ chức hội thảo “Giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ”.
Theo Hawa, việc nhập gỗ để cân đối sản xuất là giải pháp không bền vững và mang tính rủi ro cao: khó kiểm tra, xác định nguồn gốc gỗ khai thác hợp pháp và đáp ứng được những yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp theo Luật Lacey và Flegt. Còn đối với nguồn gỗ trong nước, Luật pháp Việt Nam có những quy định rất cụ thể và chặt chẽ về vấn đề bảo vệ và trồng rừng, tuy nhiên việc triển khai thực hiện và kiểm soát còn một số hạn chế nhất định. Do đó, cần tăng cường xây dựng tính minh bạch trong bảo vệ và trồng rừng, thực hiện những chứng nhận về chuẩn mực chất lượng, nguồn gốc… cho nguyên liệu gỗ trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hawa nhận định, một trong những giải pháp nhằm tăng trưởng kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ đó là phải tăng cường tiết kiệm nguyên liệu từ khâu thiết kế, quản lý, tổ chức sản xuất; đánh giá, cấu trúc lại doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và hình ảnh doanh nghiệp; theo dõi và cập nhật kịp thời thông tin thị trường trong và ngoài nước để có chiến lược sản xuất phù hợp. ông Hạnh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành mỹ nghệ và đồ gỗ rằng: cần tìm hiểu đầy đủ ảnh hưởng của luật Lacey Act & FLEGT đến việc sản xuất, kinh doanh và thương mại của đơn vị mình, đồng thời tiếp cận nguồn gỗ hợp pháp, nhận dạng để loại trừ nguồn gỗ không rõ ràng hoặc bất hợp pháp.
Hiện, ngành thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do những biến động về tỷ giá, chi phí đầu vào tăng, vay Việt Nam đồng lại phải chịu lãi suất trên 20%... Trong khi đó, có đến 70% doanh nghiệp của ngành này có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực yếu, khó tiếp cận nguồn vốn vay dẫn đến vòng quay vốn chậm, hiệu quả sản xuất không cao, không tạo ra được giá trị cao cho sản phẩm và khó cạnh tranh. Theo thống kê, cả nước có khoảng 22 nhà máy sản xuất dăm mảnh xuất khẩu với tổng công suất 1,8 triệu tấn/năm, ước tính lượng tổng cầu khoảng 10 triệu m3 gỗ/năm. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, nên hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khoảng từ 4 – 5 triệu m3, riêng năm 2010 nhập khẩu 4,32 triệu m3 gỗ.
Được biết, công ty Dun & Bradstreet là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về cung cấp thông tin thương mại và tài chính cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Do đó các doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin của đối tác qua Dun & Bradstreet trước khi tham đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại.
(Kinh tế Nông thôn)