(Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển ngành nhựa Việt Nam thành ngành công nghiệp tiên tiến, sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa về chủng loại, mẫu mã, có tính cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước, có khả năng xuất khẩu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao với sản lượng ngày càng cao.
Cụ thể, phấn đấu tỷ trọng ngành nhựa so với toàn ngành công nghiệp đến năm 2015 đạt 5%, đến năm 2020 đạt 5,5% và tăng lên 6% vào năm 2025.
Đến năm 2015, sản lượng các sản phẩm ngành nhựa đạt 7,5 triệu tấn; đến năm 2020 đạt 12,5 triệu tấn.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tới 2015 là 2,15 tỷ USD, đến năm 2020 là 4,3 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%.
Quy hoạch ngành nhựa còn nhằm chuyển dịch cơ cấu nhóm sản phẩm nhựa theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Một trong những định hướng phát triển của ngành Nhựa Việt Nam là khuyến khích đầu tư sản xuất khuôn mẫu, phụ tùng, thiết bị cho ngành, khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp xử lý phế liệu, phế thải ngành Nhựa
Theo Bộ Công Thương, các dự án đầu tư cho sản xuất khuôn mẫu, thiết bị ngành nhựa cần được ưu đãi đầu tư như đối với ngành cơ khí trọng điểm (cho vay vốn tín dụng đầu tư là 85% tổng mức đầu tư).
Đồng thời, cần khuyến khích sử dụng và sản xuất nhựa tái sinh, quy định những sản phẩm nào đã qua sử dụng phải được tái sinh, cập nhật những thành tựu của thế giới về các loại vật liệu mới có khả năng tự phân hủy, các loại nhựa sinh học, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường như các loại bao bì trên cơ sở tinh bột hoặt màng từ polyninylalcol.
Theo tính toán của Bộ, tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020 vào khoảng 175.530 tỷ đồng.
Theo vpas